Hợp tác cùng phát triển trong kinh doanh với đối tác nước ngoài luôn là vấn đề được các doanh nghiệp Việt Nam ưu tiên hàng đầu giữa thời đại toàn cầu hóa. Tuy nhiên, một trong những vướng mắc nếu không được khắc phục kịp thời sẽ trở thành yếu tố kìm hãm quá trình hợp tác là tình trạng bất đồng ngôn ngữ giữa đôi bên.
- Biên dịch tiếng Hàn – công việc thích hợp cho người đam mê phim ảnh
- Học phiên dịch tiếng Lào – hiếm nhưng cơ hội ‘khủng’
- Nghề phiên dịch: nắm chắc 5 kỹ năng, công việc thuận buồm xuôi gió, lương nhận nặng tay
Khi đó, các nhân viên biên phiên dịch ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh – thứ tiếng phổ biến nhất thế giới – giữ một vai trò cực kỳ quan trọng. Hiểu được thực tế này, nhiều doanh nghiệp quyết định thuê phiên dịch tiếng Anh chuyên nghiệp để thúc đẩy việc hợp tác quốc tế diễn ra thành công, tốt đẹp.
Phiên dịch và các cấp độ của phiên dịch
Định nghĩa phiên dịch và phiên dịch viên
Hiểu một cách đơn giản nhất, phiên dịch là hoạt động chuyển đổi một từ ngữ, câu văn, một văn bản (nói hoặc viết) từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác sao cho ý nghĩa của chúng không thay đổi. Phiên dịch viên là chủ thể của hành động phiên dịch, là người dùng vốn từ của mình để chuyển đổi các văn bản từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác, thứ tiếng này sang thứ tiếng khác, từ văn bản gốc tạo ra một văn bản dịch có nội dung tương tự, giúp những người không cùng sử dụng một ngôn ngữ có thể hiểu nhau đang viết hoặc nói gì. Phiên dịch viên phải chịu trách nhiệm trước cả hai bên người nói/viết và người nghe/đọc về tính minh bạch, chính xác của bản dịch.
Một quá trình phiên dịch đạt tiêu chuẩn phải đảm bảo tuân thủ theo ba khâu quan trọng là nghe ngôn ngữ gốc (ngôn ngữ cần dịch từ người nói, từ văn bản cho sẵn), phân tích ngôn ngữ học và văn hóa, diễn đạt bằng ngôn ngữ đích (ngôn ngữ cần dịch cho người nghe). Dựa trên hai loại hình giao tiếp cơ bản của con người là nói và viết, phiên dịch lại được chia thành phiên dịch nói (còn gọi là thông dịch) và phiên dịch viết (còn gọi là biên dịch), với những đặc thù và yêu cầu khác nhau. Nếu thông dịch phải đảm bảo thêm những đòi hỏi về thời gian, khả năng ứng biến, giao tiếp linh hoạt thì biên dịch cần sở hữu vốn từ vựng phong phú, cách hành văn trôi chảy, khả năng sử dụng ngữ pháp chính xác. Đây là những khái niệm cơ bản mà doanh nghiệp cần nắm được để chủ động thuê phiên dịch tiếng Anh phù hợp với nhu cầu của mình.
Các cấp độ của phiên dịch
Dựa vào trình độ ngôn ngữ, phông văn hóa, kiến thức nền, năng lực và kỹ năng mềm của biên phiên dịch viên, phiên dịch được chia thành 5 cấp độ. Tuy nhiên, tại nhiều trung tâm dịch thuật, để đơn giản hóa, người ta chủ yếu chỉ nhắc đến 3 cấp độ là phiên dịch cấp độ 1 (giao tiếp cơ bản/phiên dịch bán chuyên nghiệp), phiên dịch cấp độ 2 (giao tiếp nâng cao/phiên dịch chuyên nghiệp) và phiên dịch cấp độ 3 (giao tiếp cao cấp/phiên dịch cao cấp). Dựa vào các cấp độ này, thị trường lao động sẽ định ra những mức giá dịch thuật khác nhau để doanh nghiệp làm căn cứ trả thù lao khi thuê nhân viên phiên dịch.
3 lưu ý doanh nghiệp không nên bỏ qua khi thuê phiên dịch tiếng Anh
Lựa chọn trung tâm dịch thuật uy tín
Trong bối cảnh các công ty dịch thuật mọc lên như nấm sau mưa, chỉ cần một cú click chuột, bạn hoàn toàn có thể nắm trong tay một danh sách dài những bài quảng cáo, chiêu thương cung cấp phiên dịch viên ‘tốt nhất thị trường’. Tuy nhiên, phần đông trong số các đơn vị đó đều chưa chứng minh được chất lượng chuyên môn. Vì vậy, khi có ý định tìm kiếm một địa chỉ cung cấp phiên dịch viên đáng tin cậy, hãy tham khảo kênh thông tin từ bạn bè, đồng nghiệp hoặc nghiên cứu thật kỹ các bài review trên sách báo, internet, mạng xã hội. Bạn cũng có thể so sánh, đối chiếu giữa hai hay nhiều trung tâm dịch thuật để cân nhắc, chọn lựa ra nơi phù hợp nhất cho doanh nghiệp của mình dựa trên các tiêu chí về uy tín, thâm niên hoạt động, kinh nghiệm làm việc, dự án đã hoàn thành, giải thưởng được trao tặng,…
Một số trung tâm dịch thuật uy tín tại Hà Nội được nhiều người đánh giá cao là Dịch thuật Công chứng 24h, Dịch thuật Chúc Vinh Quý, Dịch thuật & công chứng Trần Phú, Dịch thuật Haruka, Dịch thuật Persotrans, Dịch thuật Bách Khoa Hà Nội, Dịch thuật và phiên dịch Châu Á,… Còn tại Thành phố Hồ Chí Minh, những địa chỉ có thể đặt niềm tin là Dịch thuật Việt Uy Tín, Dịch thuật chuyên nghiệp quốc tế Interprotrans, Dịch Thuật Việt Úc, Dịch Thuật Vinasite, Dịch Thuật Phú Ngọc Việt, Dịch thuật Sài Gòn Á Châu, Dịch Thuật Nhật Phúc, Dịch Thuật Lạc Việt và Dịch thuật BTS,…
Gặp gỡ, tìm hiểu phiên dịch viên trước các cuộc họp quan trọng
Là người sẽ đồng hành cùng doanh nghiệp trong các dịp quan trọng như họp hành, đàm phán, ký kết hợp đồng với đối tác nước ngoài, phiên dịch viên quyết định không nhỏ đến sự thành bại của quá trình hợp tác. Đôi khi, chỉ một câu dịch sai, một dòng chuyển ngữ thiếu chính xác cũng khiến mối quan hệ giữa hai bên đổ bể. Vì vậy, trước khi thuê phiên dịch tiếng Anh, doanh nghiệp có quyền được yêu cầu gặp trực tiếp nhân viên phiên dịch được trung tâm dịch thuật cung cấp cho mình để thẩm định, đánh giá mức độ phù hợp về giới tính, chất giọng, trình độ chuyên môn, kỹ năng mềm,…
Tuyệt đối không nên phó mặc cho công ty phiên dịch sắp xếp, đến sát giờ họp hành, ký hợp đồng,… mới quan tâm xem phiên dịch viên của mình là ai. Trong cuộc gặp mặt đó, nếu có yêu cầu riêng về trang phục hay tác phong của phiên dịch viên, đừng ngần ngại trao đổi với anh/cô ấy để đôi bên hợp tác thoải mái, suôn sẻ và để buổi phiên dịch diễn ra tốt đẹp.
Tham khảo bảng giá dịch thuật phù hợp với ngân sách của công ty
Bên cạnh những vấn đề về chuyên môn và kỹ năng thì mức thù lao dành cho các phiên dịch viên sau mỗi buổi làm việc cũng là yếu tố được các doanh nghiệp quan tâm. Giá dịch thuật và mức phí thuê phiên dịch viên phải phù hợp với ngân sách của doanh nghiệp. Đừng quá tin vào những chiêu quảng cáo, tiếp thị trên mạng, hãy bình tĩnh tham khảo thị trường để tránh việc bị ‘hét giá’, ‘chặt chém’, làm hợp đồng với những điều khoản thống nhất ngay từ đầu để tránh phát sinh những chi phí không đáng có về sau và đặc biệt tránh xa những công ty thiếu minh bạch về giá cả.
Hiện nay, hầu hết các công ty, trung tâm dịch thuật đều công khai giá dịch thuật rõ ràng cho từng dịch vụ. Nhìn chung, phiên dịch viên tiếng Anh có số tiền thù lao thấp nhất so với các thứ tiếng hiếm hoặc ít người học, ở vào mức 30 đến 40 USD (700.000 đến 900.000 ngàn đồng)/ngày 10 USD (230.000 ngàn đồng)/giờ với những phiên dịch viên cấp độ 1. Nhóm này có thể sử dụng tiếng Anh giao tiếp ở mức cơ bản, nhận phiên dịch hội chợ, dẫn tour du lịch, nghiên cứu, khảo sát thị trường, sẵn sàng công tác dài ngày.
Với nhóm phiên dịch cấp độ 2 – những người có thể sử dụng tiếng Anh nâng cao, đảm nhận nhiệm vụ biên phiên dịch trong các hội thảo, dự án, đàm phán thương mại, các cuộc họp nội bộ, các buổi tháp tùng lãnh đạo,…thù lao là 60 đến 80 USD (1,4 đến 1,9 triệu đồng)/ngày 15 USD (400.000 ngàn đồng)/giờ.
Cấp độ còn lại có yêu cầu rất cao đối với phiên dịch viên như thâm niêm làm việc tối thiểu là 10 – 20 năm kinh nghiệm, trình độ chuyên môn sâu, am hiểu mọi lĩnh vực, xử lý tốt các buổi dịch truyền hình, dịch cabin, dịch cho các lãnh đạo cấp cao nên mức lương đề nghị cũng ‘không phải dạng vừa’ và nó phụ thuộc vào đề xuất cá nhân và điều kiện chi trả của các doanh nghiệp. Các mức giá nói trên chỉ là tương đối và được nhân hệ số nếu phiên dịch viên phải làm thêm giờ hoặc đi công tác tại các địa phương. Doanh nghiệp cũng phải đảm bảo chi trả mọi chi phí liên quan đến việc đi lại, ăn uống của nhân viên phiên dịch trong quá trình làm việc.
Xem thêm Tại Đây:
- Biên phiên dịch tiếng Nhật: Đằng sau lương khủng là cả thách thức lớn
- Phiên dịch tiếng Anh part time: Không bó buộc thời gian, thù lao dư dả
- Phiên dịch tiếng Anh tại nhà: Không cần ra đường vẫn rủng rỉnh tiền tiêu
Với những vấn đề về trung tâm cung cấp, giá cả và chất lượng phiên dịch, các doanh nghiệp cần lưu tâm và tham khảo kỹ càng từ mọi nguồn tin trước khi thuê phiên dịch tiếng Anh. Nếu có sự chuẩn bị, lên kế hoạch nghiêm túc, không khó để tìm được những biên phiên dịch viên giỏi mà vẫn tiết kiệm được chi phí cho công ty.