- Phiên dịch tiếng Anh part time: Không bó buộc thời gian, thù lao dư dả
- Phiên dịch tiếng Anh tại nhà: Không cần ra đường vẫn rủng rỉnh tiền tiêu
- Thuê phiên dịch tiếng Anh cho doanh nghiệp: Vài lưu ý không nên bỏ qua
Là cường quốc hàng đầu thế giới và đối tác thương mại chiến lược của nhiều quốc gia, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa được đánh giá là một nền kinh tế năng động, rộng lớn và có vị thế quan trọng trên trường quốc tế. Ngôn ngữ mẹ đẻ của nước này – tiếng Trung hiện đang được sử dụng nhiều nhất hành tinh với hơn 1,5 tỷ người. Điều đó có nghĩa là, nếu biết tiếng Hoa, bạn sẽ có thể trò chuyện với 1/5 dân số toàn cầu cũng như dễ dàng tìm việc làm phiên dịch tiếng Trung như ý muốn.
Mọi thông tin về HSK
Định nghĩa HSK
Nếu IELTS, TOEFL, TOEIC là những chứng chỉ đánh giá năng lực người sử dụng tiếng Anh thì HSK là thước đo tương đương trong lĩnh vực tiếng Trung. Bất cứ ai, khi đã chọn ngôn ngữ Trung Quốc làm định hướng cho sự nghiệp, đều không thể ‘làm ngơ’ chứng chỉ danh giá này. Đây cũng là một trong những yêu cầu bắt buộc về chuyên môn đối với các đối tượng có nguyện vọng du học Trung Quốc hoặc ứng tuyển việc làm tiếng Hoa tại các doanh nghiệp Trung Quốc.
HSK được viết tắt từ cụm Hanyu Shuiping Khaoshi – phiên âm Pinyin của 汉语水平考试 (dịch chữ: Hán ngữ thủy bình khảo thí, dịch nghĩa: Kỳ thi khảo sát trình độ tiếng Hán). Chứng chỉ HSK là tờ kết quả cuối cùng được công nhận dựa trên bảng điểm sau thi của một cá nhân, được toàn thế giới công nhận giá trị nhưng chỉ có hiệu lực trong 2 năm kể từ ngày cấp. HSK là tiêu chí quan trọng nhất để các trường Đại học Trung Quốc tuyển sinh và xét duyệt học bổng cho sinh viên nước ngoài và là căn cứ để các doanh nghiệp, công ty Hoa ngữ tuyển dụng các vị trí đòi hỏi năng lực tiếng Trung.
Các cấp độ HSK
Là một trong những thành phần không thể thiếu của bộ hồ sơ tìm việc làm phiên dịch tiếng Trung song nhiều ứng viên vẫn chưa hiểu hết về cơ cấu, chức năng và tầm quan trọng của chứng chỉ HSK. Trước đây, một kỳ thi HSK có tới 11 cấp độ nhưng hiện nay đã rút gọn xuống con số 6.
Ở mỗi cấp độ, HSK sẽ có những yêu cầu từ dễ đến khó về năng lực sử dụng, nghe nói đọc viết tiếng Trung. Đăng ký thi ở cấp độ nào, thí sinh chỉ được chấm điểm, cấp chứng chỉ ở cấp độ đó. Vì thế, trước khi bắt tay vào ôn thi HSK, bạn phải xác định được cấp độ mình muốn thi và tìm hiểu xem cấp độ đó có những yêu cầu, đòi hỏi gì, cấu trúc đề như thế nào thì mới có sự chuẩn bị tốt nhất.
Từ thấp đến cao, tương đương với mức điểm lớn dần, ta có:
- HSK 1: mức sơ cấp, chưa được trao chứng chỉ, yêu cầu thí sinh nắm vững khoảng 150 từ vựng. Điểm đạt là 120/300. Lệ phí thi là 340000 đồng.
- HSK 2: cũng là mức sơ cấp, chưa được trao chứng chỉ, yêu cầu thí sinh nắm vững khoảng 300 từ vựng. Điểm đạt là 120/300. Lệ phí thi là 460000 đồng.
- HSK 3: mức trung cấp, có chứng chỉ, yêu cầu thí sinh nắm vững khoảng 600 từ vựng. Điểm đạt là 180/300. Lệ phí thi là 570000 đồng.
- HSK 4: cũng là mức trung cấp, có chứng chỉ, yêu cầu thí sinh nắm vững khoảng 1200 từ vựng. Điểm đạt là 180/300. Lệ phí thi là 690000 đồng.
- HSK 5: mức cao cấp, có chứng chỉ, yêu cầu thí sinh nắm vững khoảng 2500 từ vựng. Điểm đạt là 180/300. Lệ phí thi là 800000 đồng.
- HSK 6: mức cao cấp nhất, có chứng chỉ, yêu cầu thí sinh nắm vững khoảng 5000 từ vựng. Điểm đạt càng tiệm cận với con số 300 càng tốt. Lệ phí thi là 920000 đồng.
Thi HSK ở đâu?
Hiện nay, trên toàn thế giới có tới gần 800 điểm thi và khoảng 112 quốc gia ngoài Trung Quốc tổ chức thi HSK. Tại Việt Nam, Đại học Thái Nguyên, Đại học Ngoại Ngữ – Đại học Quốc Gia Hà Nội, Đại học Ngoại ngữ – Đại học Huế và Đại học Sư phạm Tp.Hồ Chí Minh là 4 địa chỉ uy tín, tin cậy nhất cho những cá nhân muốn tham gia sát hạch trình độ Hán ngữ của mình. Những bạn trẻ đang có ý định tìm việc làm phiên dịch tiếng Trung, tùy khu vực học tập, sinh sống có thể tham khảo lựa chọn 1 trong 4 địa chỉ trên để nộp hồ sơ, lệ phi thi HSK.
Bí kíp thi đậu chứng chỉ HSK
Như mọi kỳ thi sát hạch năng lực ngoại ngữ khác như tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Hàn Quốc, mỗi bài thi HSK gồm có 3 phần cơ bản: nghe, đọc, viết. Riêng cấp độ HSK 4 và HSK 5, phần viết gói gọn trong thao tác kiểm tra ngữ pháp còn cấp độ HSK 6 sẽ có thêm phần viết luận. Điểm khác biệt duy nhất là HSK chỉ thi nói ở cấp độ cao cấp và hiện nay ở Việt Nam cũng chưa từng tổ chức phần thi này.
Lên kế hoạch học từ vựng
Trước khi thi HSK khoảng 2-3 tháng, hãy bắt tay vào việc ôn luyện, tất nhiên, các cấp độ cao cần nhiều thời gian chuẩn bị hơn. Hãy đề ra chỉ tiêu học thuộc lòng (nhận mặt chữ, viết đủ nét) một số lượng từ mới mỗi ngày ở khoảng 50-100 từ với mức sơ cấp và 150-250 từ với mức trung cấp trở lên. Nếu việc học thuộc quá đơn điệu, nhàm chán, hãy áp dụng các phương pháp kết hợp vui chơi, giải trí như xem phim, nghe nhạc, đọc sách báo tiếng Trung. Hiện nay, bạn có thể tận dụng nguồn tài nguyên thông tin trên internet để tải các bộ từ vựng Hán ngữ theo chủ đề để tiết kiệm chi phí.
Thử sức với đề thi của các năm trước
Nếu muốn nâng cao trình độ và rèn luyện bản lĩnh thi cử, không có cách nào khác là làm thử đề thi mẫu HSK (trong thời gian quy định và hạn chế tra từ điển) rồi tự đối chiếu đáp án để xem trình độ của mình đến đâu. Chỉ cần mỗi ngày giải quyết một đề, sau vài tháng, vốn từ, phản xạ cũng như kinh nghiệm làm bài của bản thân sẽ khiến bạn ngạc nhiên.
Rèn kỹ năng nghe và viết
Một phương pháp thú vị để rèn luyện khả năng nghe thường xuyên là thông qua âm nhạc và phim ảnh. Trung Quốc sở hữu hàng ngàn bài hát và bộ phim hay, hấp dẫn, đủ để bạn vừa ôn thi vừa khám phá. Mẹo nhỏ cho thí sinh đang luyện thi HSK là đừng cắm cúi nghe hết một đoạn hội thoại hoặc một câu văn dài mà chỉ cần nắm bắt được từ khóa là có thể suy đoán ngữ nghĩa và văn cảnh, tình huống của cả đoạn, câu.
Nếu thi HSK mức độ cao cấp, bạn cần đặc biệt chú ý rèn luyện kỹ năng viết để nhớ mặt chữ, nhớ số lượng nét và cách đưa bút sao cho đúng chuẩn để tiết kiệm thời gian trong quá trình làm bài. Hãy nhớ, bạn chỉ có khoảng 45 phút để viết 10 câu và 2 đoạn văn nên cần thao tác hợp lý.
Chuẩn bị đầy đủ dụng cụ làm bài trước khi vào phòng thi
HSK là một kỳ thi quan trọng đối với dân học Hán ngữ đặc biệt là những người đang tìm việc làm phiên dịch tiếng Trung. Vì vậy, bạn phải hết sức cẩn thận, lưu tâm trong việc chuẩn bị các yếu tố trước kỳ thi, không chỉ về kiến thức mà còn ở tâm lý, dụng cụ học tập. Sau khi vào phòng thi, hãy chú ý tuân thủ hướng dẫn của giám thị để tránh ảnh hưởng đến kết quả bài thi.
Khi đi thi HSK, thí sinh không cần mang bút bi hoặc bút viết mực, thay vào đó, hãy sử dụng bút chì và tẩy để tô đáp án. Thậm chí nếu không lưu ý quy định này, kết quả bài thi của bạn sẽ bị hủy. Cuối cùng, hãy phân chia thời gian làm bài thật hợp lý theo độ dài của mỗi phần thi để kịp giờ nộp bài. Bạn phải luôn có ý thức chuẩn bị để hạn chế tối đa những sai sót trong kỳ thi quan trọng này.
Xem thêm tại đây:
- Biên phiên dịch tiếng Nhật: Đằng sau lương khủng là cả thách thức lớn
- Biên dịch tiếng Hàn – công việc thích hợp cho người đam mê phim ảnh
- Dành cho người ‘mất gốc’, 8 kỹ năng dịch tiếng Anh chuẩn cần nắm
Đặc thù nghề nghiệp của lĩnh vực biên phiên dịch luôn đòi hỏi cao về năng lực ngoại ngữ, những người đang có nhu cầu tìm việc làm phiên dịch tiếng Trung lại càng không ngoại lệ. Đầu tư cho một tấm bằng HSK, hồ sơ xin việc của bạn sẽ càng thêm thu hút, thuyết phục, không lo bị nhà tuyển dụng ngó lơ.
Bích Phương