Việc làm phiên dịch Tiếng Anh không lo thất nghiệp vì nhu cầu tuyển phiên dịch cao. Tuy nhiên, đây là công việc tuy không ít vinh quang nhưng gian nan cũng nhiều.
- Những quy tắc giúp phiên dịch viên tiếng Anh chiếm thiện cảm của khách hàng
- Cảnh giác với 5 chiêu lừa đảo tuyển dụng phiên dịch tiếng Anh
- Học phiên dịch tiếng Hàn, cơ hội rộng mở, dễ tìm việc làm ‘ngon’
Việc làm phiên dịch tiếng Anh là 1 công việc có mức lương cao, tính ổn định lâu dài, nhiều khả năng thăng tiến trong sự nghiệp. Ngoài ra làm phiên dịch còn có cơ hội gặp gỡ nhiều đối tượng tinh anh trong xã hội, liên tục được cập nhật tri thức mới, mở mang đầu óc… Lợi ích mà việc làm phiên dịch tiếng Anh mang lại quá sức hấp dẫn và béo bở, đó là lý do nhiều người học tiếng Anh đều chọn nghề phiên dịch như đích đến trong sự nghiệp của mình, đảm bảo cho tương lai. Nhưng “trong chăn mới biết chăn có rận”, thực chất người làm phiên dịch viên phải trải qua rất nhiều khó khăn, thử thách khi bắt đầu thử sức với nghề mới có thể đạt được thành công. Nếu không cố gắng và nỗ lực mỗi ngày, bạn sẽ cảm thấy dễ nản sức, bỏ cuộc rồi sớm bị đào thải khỏi nghề. Biết những thách thức của 1 phiên dịch viên, đủ hiểu rằng đây hoàn toàn không phải là công việc trải hoa hồng.
Phải làm việc trong môi trường áp lực,
Làm bất cứ công việc gì cũng không tránh khỏi bị áp lực nhưng áp lực của việc làm phiên dịch tiếng Anh còn căng thẳng và khó khăn gấp bội. Trong 1 buổi làm việc, phiên dịch viên phải chịu áp lực tâm lý lớn khi căng tai, căng não để lắng nghe và truyền đạt cùng lúc 2 loại ngôn ngữ 1 cách trôi chảy, tránh tối đa việc dịch sai hay nói vấp quá nhiều. Tập trung cao độ, nói liên tục, không được sao nhãng lơ là 1 giây nào nếu không muốn xảy ra sự cố. Có thể nói cường độ làm việc của não trong 1 buổi phiên dịch là rất cao.
Người làm phiên dịch còn chịu sức ép về thời gian eo hẹp. Trong 1 khoảng thời gian rất ngắn, thậm chí chỉ có tầm chục giây, họ phải ghi nhớ hết tất cả nội dung tiếng Anh vừa được nghe, sau đó xử lý ngay lập tức sang tiếng Việt và diễn đạt ra cho đối tượng còn lại. Thông tin được truyền tải ra không thể vì thời gian dịch ngắn mà cẩu thả, tất cả đều phải rõ ràng, mạch lạc, dễ hiểu. Có thể câu cú không được trau chuốt nhưng đúng ý và dễ tiếp nhận là tối cần thiết. Chất lượng bản dịch được yêu cầu cao, thời gian cho phép quá ngắn nên phiên dịch viên lúc nào cũng đối mặt với sức ép tâm lý nặng nề. Đặc biệt là người mới đi làm, chân ướt chân ráo vào nghề sẽ không tránh khỏi cảm giác sợ hãi, stress mỗi lần bước vào 1 cuộc phiên dịch.
Phải am hiểu kiến thức nhiều ngành nghề, lĩnh vực
Đừng nghĩ làm phiên dịch viên tiếng Anh thì chỉ cần giỏi tiếng Anh, chính xác đây là công việc mà bạn cái gì cũng phải biết. Việc làm phiên dịch tiếng Anh tiếp xúc với tất cả các loại ngành nghề, trao đổi và truyền đạt thông tin với đủ 16 lĩnh vực trong xã hội nên việc hiểu biết kiến thức của lĩnh vực cần dịch là vô cùng cần thiết và quan trọng. Yêu cầu này gây ra khó khăn không nhỏ cho phiên dịch viên bởi không phải ai cũng có đủ thời gian, đủ sức để tiếp thu cùng lúc nhiều lượng tri thức như thế vào đầu. Kinh nghiệm là trước khi bắt tay vào phiên dịch về ngành nào đó, bạn nên tìm hiểu và bổ sung ít nhiều kiến thức nền tảng, để tránh gặp phải trường hợp lơ mơ không dịch nổi vì chẳng hiểu khách hàng đang nói gì. Bên cạnh đó, chăm chỉ đọc sách báo, tạp chí chuyên ngành, nâng cao vốn sống, tầm hiểu biết thì tự nhiên lúc tiếp xúc đến các chuyên ngành riêng biệt, bạn cũng không quá bỡ ngỡ và khó khăn.
Tính cạnh tranh cao và đào thải lớn
Nhu cầu tìm phiên dịch viên tiếng Anh rất cao nhưng sự cạnh tranh trong ngành này cũng không hề thấp chút nào. Trong thời buổi này có không ít người trẻ giỏi từ 2 ngoại ngữ trở lên, trang bị kỹ năng đầy đủ, am hiểu kiến thức xã hội, hoàn toàn trở thành đối thủ đáng gờm cho bất cứ phiên dịch kì cựu nào. Muốn sống lâu và ổn định với nghề, người làm phiên dịch phải học hỏi không ngừng, tiếp thu lượng tri thức mới và thường xuyên đổi mới tư duy. Tiếng Anh là ngôn ngữ chuyên ngành chính nhưng nếu biết thêm 1 ngoại ngữ khác, sẽ bổ trợ rất nhiều trong công việc và giúp bạn nâng cao giá trị bản thân. Làm về ngôn ngữ, dịch thuật nhưng vẫn phải chịu khó cập nhật, nâng cao tầm hiểu biết thì mới thoát được cảnh bị đào thải ra khỏi nghề.
Đề cao tính nguyên tắc và kỷ luật
Việc làm phiên dịch tiếng Anh đề cao tính kỷ luật và nguyên tắc, phiên dịch viên phải là người có lương tâm nghề nghiệp. Với nhiệm vụ kết nối thông tin giữa hai bên đối tác, người dịch phải truyền đạt đủ và đúng ý, luôn có ý thức trung thành với bản gốc, diễn đạt với thái độ khách quan, không mang cảm xúc cá nhân vào bản dịch. Phiên dịch viên dịch sai có thể gây ra hiểu nhầm hoặc sai lầm nghiêm trọng, làm ảnh hưởng xấu đến kết quả cuối cùng cuộc đàm phán của hai bên. Thế nên đề cao kỷ luật nghề nghiệp, luôn thận trọng trong công việc là đức tính tối cần thiết của người làm nghề này.
Phải biết nắm bắt được tâm lý người được phiên dịch
Không chỉ cần truyền đạt thông tin đầy đủ chính xác, phiên dịch viên tiếng Anh cũng cần phải biết cách uyển chuyển và khéo léo quan sát thái độ, cử chỉ và nét mặt của người nói khi thực hiện cuộc phiên dịch. Kỹ năng này giúp bạn nắm được tâm lý khách hàng, để từ đó chuyển tải nội dung 1 cách phù hợp nhất. Nói thì đơn giản thế nhưng không phải phiên dịch nào cũng có khả năng làm tốt điều này.
Xem thêm:
- 6 cơ hội việc làm dành cho người học phiên dịch tiếng Đức
- Thuê phiên dịch tiếng Anh cho doanh nghiệp: Vài lưu ý không nên bỏ qua
- Dành cho người ‘mất gốc’, 8 kỹ năng dịch tiếng Anh chuẩn cần nắm
Tuy vất vả, khó khăn là thế nhưng việc làm phiên dịch Tiếng Anh vẫn luôn thuộc top nghề hot, được xã hội trọng dụng và nhiều người học ngôn ngữ ưu tiên lựa chọn. Sau một thời gian quen việc, vượt qua được những thử thách này, phiên dịch viên sẽ không thấy quá áp lực nữa. Đây chính là lúc bạn nên bứt phá trong công việc, sớm tạo ra thành tựu cho riêng mình.
Phan Phan (TH)